Nguyễn Phan Quang Bình làm rất ít phim, mấy năm mới làm một phim. Kể từ sau thành công của Cánh đồng bất tận, công chúng rất kỳ vọng vào phim tiếp theo, phim Quyên. Nhưng phim không thực sự xuất sắc khi mọi thứ đều nhàn nhạt, thiếu điểm nhấn và kịch tính.


Hãy nhắc một chút về bối cảnh phim, Đông Âu những năm cuối thập niên 90 trở nên hỗn loạn khi Bức tường Berlin giữa Đông Đức và Tây Đức đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Rất nhiều người Việt Nam ở Đông Đức (thuộc khối xã hội chủ nghĩa) đã vượt biên sang Tây Đức. Mỗi người một số phận, ai cũng muốn thay đổi cuộc đời. Quyên và người chồng bị chia cắt trong một lần vượt biên, bị bắt cóc và hãm hiếp bởi Hùng, một kẻ chuyên dẫn người đi vượt biên.

Một câu chuyện dài, trải suốt mấy năm với nhiều biến cố, nhiều biến động trong cuộc đời Quyên, từ đau đớn, khổ cực, tuyệt vọng, hình ảnh Quyên bước đi và gục ngã nằm giữa nền tuyết lạnh khiến người xem ám ảnh. Rồi cuộc đời cô bước sang trang khác với những đổi thay, cùng với đó là thời cuộc cũng biến đổi với những con người gắn kết với nhau bởi sợi dây ràng buộc vô hình. Những nhân vật rời xa rồi hợp lại như một định mệnh an bài, tưởng như bất ngờ nhưng thực ra không.


Phim là một bức tranh đẹp, rất đẹp, một chất rất riêng của Nguyễn Phan Quang Bình, những khung hình tuyệt đẹp lướt qua khiến người xem trầm trồ. Với một tông màu xám lạnh được nhấn mạnh bởi màu trắng của tuyết. Những cánh rừng, những ngọn núi hùng vĩ, những ngôi nhà trơ trọi, những trại tỵ nạn đớn đau. Mọi thứ tổng hòa nên một sắc thái mạnh mẽ cho những gì mà phim muốn thể hiện.

Nhưng đáng tiếc, phim bị nhạt đi bởi quá dàn trải và cắt cảnh quá nhiều khiến người xem hụt hẫng. Không một điểm nhấn nào đáng kể. Mọi thứ cứ đều đều theo một thời gian tuyến tính, mọi chuyện cứ thể diễn ra. Nếu thu gọn câu chuyện hơn và tập trung vào những cao trào đáng nhớ hoặc những thông điệp chính nhất thì phim sẽ trở nên hoàn hảo hơn, chứ không phải là xem xong bước ra rạp không còn một chút gì ấn tượng đọng lại.


Thoại phim là một vấn đề lớn, khiến cho phim giảm hay đi rất nhiều. Quyên trong câu nói đầu tiên sau suốt mấy chục phút phim nói không ai nghe cái gì, chắc hồi hộp quá vì lâu lắm mới được nói. Tiếp sau đó là một chuỗi những bi kịch về lời thoại. Những đoạn đọc trả bài liên miên, cùng những phút giảng triết lý, kể chuyện đời oan trái. Thêm nhân vật Hans bị bắt nói cho lơ lớ cũng khiến người xem mệt mỏi. Phim này lồng tiếng, nhưng lồng tiếng vẫn nghe không hay.

Câu chuyện người Việt mưu sinh ở nước ngoài không phải là quá mới nhưng với những người không biết, đó quả là một khoảng trời lạ. Phim đã thành công khi khắc họa được những khó khăn, những cuộc chiến đẫm máu, giữa những “đồng bào” tóc đen, máu đỏ da vàng nơi đất khách để tranh giành lãnh địa, miếng cơm manh áo. Bố cục phim khá giống với những bộ phim xã hội đen Hồng Kông những năm 90 nhưng lại được miêu tả nhạt nhòa hơn.


Diễn xuất của các diễn viên trong phim khá ổn, Trần Bảo Sơn vẫn rất hợp vai, cùng với Hiếu Nguyễn là diễn xuất tròn trịa. Vũ Ngọc Anh với vai Quyên chỉ làm tốt một việc là đẹp, diễn chưa được hay. Nhân vật Quyên đáng ra phải nhiều cảm xúc nhất bởi cô như một bông hoa lộng lẫy bị những cơn gió mạnh quật ngã trong tuyết lạnh. Nhưng Vũ Ngọc Anh chưa làm được điều đó.

Quyên là một bộ phim Việt Nam được làm một cách đàng hoàng, không phải phim hời hợt nhảm nhí. Những cảnh đẹp, những chuyện đời nghiệt ngã khiến cho Quyên trở nên đáng xem nhưng do nội dung dàn trải, thiếu cô đọng, kịch tính khiến phim vẫn chỉ như một cú nấc nghẹn mà chưa bùng phát, những lỗi kịch bản, dựng phim, thoại … khiến phim không thể trở thành một phim hay. Nó như một áng mây xám nhẹ nhàng vắt ngang trời chứ chưa phải là một cơn giông bão.


Ai ra rạp xem sẽ thấy chữ K+ xuất hiện ở đầu phim. K+ cũng đã hợp tác với BHD nên phim Quyên này sau khi chiếu rạp cũng sẽ được chiếu ở K+ giống như bộ phim Bộ Ba Rắc Rối.